Chuan bi gi cho chuyen du lich

1. TÔI CẦN MỘT SỐ THÔNG TIN CHO CHUYẾN DU LỊCH DÃ NGOẠI

Dã ngoại trong ngày

Hành trang cho chuyến nghỉ mát dã ngoại cả ngày có hai nhóm sản phẩm cần thiết: dụng cụ đựng thực phẩm, nước uống và hoá mỹ phẩm bảo vệ da. Dành cho bữa ăn: Thích uống cà phê, sữa lạnh hoặc nhà có trẻ em, nên mang theo loại bình lưỡng tính tiện dụng hơn so với dùng bình thuỷ chỉ giữ nóng. Để pha chế nước trái cây, trà, dùng loại bình 2 ngăn bằng nhựa có nắp đậy kín, muốn uống loại nào rót nước từ ngăn đó. Sản phẩm bình đựng kiểu mới hiện nay giúp giữ tươi các loại thực phẩm, ướp lạnh nước uống, vừa có mùi thơm dễ chịu, khắc phục tình trạng bị ủ mùi nặng.

Để bữa ăn ngoài trời được chu đáo, sử dụng các loại balô đựng dụng cụ bàn ăn được thiết kế như một chiếc tủ di động với nhiều ngăn nhỏ được may bằng tấm lót cứng đựng chai rượu, ly thuỷ tinh, các khe đựng dao, muỗng, nĩa... an toàn, tránh bị bể, mẻ. Loại ba lô này tuỳ cỡ lớn, nhỏ có thể đựng bộ dụng cụ ăn uống cho 2 - 12 người. Khi đi xa, dùng cắt, gọt nên mua loại dao inox có nắp đậy kín bằng nhựa. Và cả những loại ly, chén, muỗng, nĩa dùng một lần.

Dã ngoại dài ngày
Túi mỹ phẩm cá nhân cần có trên 10 món: kem đánh răng, bàn chải, mỹ phẩm trang điểm, kem dưỡng, sữa rửa mặt, dầu gội đầu... Sử dụng loại mini chuyên dùng cho du lịch, bạn có thể để tất cả trong chiếc ví nhỏ gọn gàng. Chẳng hạn loại khăn mặt bằng vải cotton nén, nhỏ có đường kính khoảng 3cm, khi dùng ngâm viên này vào nước sẽ nở bung thành một chiếc khăn mặt bình thường. Dùng khăn mặt ướt hoặc tẩy trang tẩm sẵn các chất tẩy rửa chuyên dùng cho da để chùi sạch chất bám khó trôi như son lâu phai, mascara… Son môi có loại đóng hộp nhỏ (như vỉ thuốc) với 6- 10 màu khác nhau và chỉ cần 1 vỉ son có thể pha thành mấy chục tông màu khác nhau.

Túi thuốc cá nhân ít nhất phải có dầu gió, thuốc đau bụng, thuốc trị nhức đầu, kem thoa da chống muỗi, thuốc trị côn trùng cắn, kem thoa da trị bỏng hoặc dị ứng... Tuỳ theo sức khoẻ cá nhân, cần mang theo đường ăn kiêng hoặc thuốc đặc trị riêng. Loại dung dịch rửa tay không cần dùng nước có tác dụng diệt khuẩn tốt, tiện dụng rửa tay trước khi ăn hoặc khử mùi khi dùng thuỷ hải sản. Bộ dụng cụ cá nhân gọn có kích cỡ khoảng 2 ngón tay xếp trong bọc da gồm 1 đồ cắt móng, dao cắt nhỏ, giũa móng và đồ khui có thể dùng mở nắp chai, khui đồ hộp hàng ngày. Hoặc dùng bộ dụng cụ từ 8 món với lược, gương, bàn chải đánh răng, mút tắm, giũa móng tay, nhíp, dao cạo râu... đựng trong một chiếc túi giúp cho việc vệ sinh cá nhân được chu đáo hơn.

Bàn ủi, máy sấy loại xếp gọn nên chọn có nhiều tốc độ để trong trường hợp cần thiết có thể dùng nó ủi, sấy, làm khô quần áo... Nếu chuyến du lịch cần đi bộ nhiều, chú ý chọn loại giày êm, nhẹ, dùng loại vớ cotton mềm… và mang theo loại kem thoa chân dùng vào buổi tối để làm mềm da, giúp thư giãn và phục hồi mỏi mệt cho chân. Những vật dụng khác như bộ kim chỉ nút với chiếc kéo nhỏ, kim khâu tay, chỉ, nút, kim băng, kim gút với giá chỉ 9.000- 14.000đ/túi trở nên rất hữu dụng trong các trường hợp bất ngờ. Ngoài ra, nhiều gia đình còn chuẩn bị thêm các bộ lều dã ngoại, diều, nồi nấu đa năng... để thoả mãn nhu cầu tận hưởng không khí thiên nhiên hoang dã, tự thưởng thức bữa ăn theo ý mình.
(Nguồn: Bích Nga, SGTT online)

2. CHUẨN BỊ GÌ KHI BẠN ĐI DU LỊCH Ở NHỮNG VÙNG CÓ KHÍ HẬU KHÁC NHAU:
Hầu hết mọi người đều suy nghĩ một cách chung chung về khí hậu ở nơi họ sẽ du lịch, mà không có những sự tìm hiểu hay kế hoạch cụ thể cần thiết. Điều này không chỉ làm nhiều du khách thấy hụt hẫng mà còn có thể làm hỏng cả chuyến du lịch. Chỉ cần dành chút thời gian tìm hiểu, hoặc yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ cung cấp thông tin bạn quan tâm và lên kế hoạch chuẩn bị trước, là bạn có thể yên tâm về một chuyến đi thuận buồm xuôi gió.

Điểm khởi đầu tốt là nhìn tổng quát tình trạng khí hậu của điểm mà bạn sắp đến theo thời gian trong năm. Ví dụ, đất nước Ailen nổi tiếng là mưa liên miên, nhưng bờ biển phía đông thì những ngày mưa chỉ bằng phân nửa bờ biển phía tây. Mặt khác, ở Trinida lại có mùa mưa kéo dài suốt từ tháng 6 đến tháng 12. Vài sự tìm hiểu trước về khí hậu chung theo vùng hay theo mùa có thể giúp bạn tránh được sự bất ngờ, đồng thời khiến cho những gì bạn hi vọng sẽ không khác những gì bạn sẽ thấy tại nơi mình sắp đến – và thậm chí giúp bạn chọn cho mình một tuyến tham quan phù hợp nhất. Đối với những người có vấn đề về tim mạch hay thấp khớp, việc này vô cùng quan trọng.

Một khi bạn đã có đủ thông tin về điểm đến, bạn có thể chuẩn bị trước vài thứ cần thiết. Nếu thời tiết ẩm ướt, nhớ mang theo dù (ô) du lịch nhỏ và vài bộ đồ ấm (đồ len càng tốt), kể cả áo mưa hay áo khoác nhẹ. Nếu trời lạnh hoặc có tuyết rơi, cần mang theo vớ (tất), áo lạnh, găng tay, nón (mũ), khăn quàng bằng len, và nhớ kiểm tra nhiệt độ trung bình để chắc rằng áo khoác của bạn sẽ phù hợp với nhiệt độ bên ngoài. Việc mang thêm đồ ấm rất có ích, vì bạn có thể thường xuyên thêm hoặc bớt đồ ấm khi nhiệt độ thay đổi.

Với khí hậu ấm hay nhiệt đới thì bạn sẽ thấy dễ chịu hơn, nhưng vẫn phải nhớ mang theo những thứ cần thiết, vì có những thứ mà khi mua ở nơi du lịch bạn phải trả giá cao hơn so với khi mua ở nhà, chẳng hạn như kính mát, kem chống nắng, nón, khăn tắm, và kem chống nắng phải có chỉ số chống nắng cao. Vì nếu như bạn phơi nắng quá lâu trong một hoặc hai ngày đầu của chuyến đi (đặc biệt là khi đi với trẻ con) thì việc bị cháy nắng có thể hủy hoại chuyến đi của bạn một cách nhanh chóng. Cũng nên xem xét việc đi đến viện chăm sóc da trước khi đi xa, điều này giúp tạo nên một lớp da nền và tránh bị cháy nắng. Khi gần đến ngày, hãy kiểm tra lại thông tin cập nhật về thời tiết để chắc rằng cho đến phút cuối vẫn không có sự thay đổi nào (như bão, luồng khí lạnh, những đợt nóng…), và theo đó để điều chỉnh sự chuẩn bị của bạn.

Đừng quên xem xét những điểm đến thuộc vùng cao – nhiều quốc gia có những vùng cao và thấp rộng lớn, vì thế nếu kế hoạch của bạn là đi lên núi hay xuống biển, thì hãy nhớ tính toán để lên kế hoạch (kể cả những vùng khí hậu nóng cũng sẽ mát hơn khi bạn đi lên vùng cao, vì vậy nhớ mang thêm đồ ấm).

Nếu bạn là một người đam mê nhiếp ảnh, hãy nhớ mang theo một cái túi bảo vệ máy hình để tránh bị hư hỏng khi đi vào vùng ẩm hay lạnh. Ở những quốc gia có nhiều mưa, phải chắc một điều là đừng cầm nhầm dù (ô) của người khác, vì như vậy sẽ bị xem là một sự hớ hênh nghiêm trọng. Ở những quốc gia ấm hơn, đặc biệt là ở Châu Âu và Trung Đông, hãy cẩn thận khi mặc đồ theo thời tiết và lưu ý những quy tắc mặc trang phục khá kín đáo tại các nhà thờ cũng như các trụ sở cơ quan (đặc biệt là đối với phụ nữ).

Dĩ nhiên, bạn cần lên kế hoạch trước để đảm bảo cho bạn một chuyến đi xuôi chèo mát mái mà không gặp phải sự cố nào. Nếu bạn là loại người thích mạo hiểm, bạn có thể chỉ cần nghe qua và thích nghi ngay khi bạn đến nơi. Nhưng đối với hầu hết chúng ta, càng hạn chế được những sự khó chịu thường thấy trong khi du lịch, thì càng làm cho chuyến đi đáng nhớ hơn.
(Nguồn: www.worldtraveltips.com)

3. MẸO NHỎ KHI ĐI DU LỊCH:
Khi đi du lịch, bạn không nên mang theo cuốn danh bạ điện thoại hay sổ ghi địa chỉ chi chít và dày cộm vì chúng sẽ làm hành lý thêm nặng. Hãy in địa chỉ người thân, bạn bè vào những mảnh giấy có decal rồi dán lên bưu thiếp, vừa tiết kiệm tiền bạc vừa không mua thiếu quà tặng. Không nên để tài sản và những vật dụng quan trọng ở ngăn ngoài, bên hông hay phía trước vali để dễ trông chừng. Đây là những vị trí “thuận lợi” cho kẻ trộm cắp ra tay và bạn không thể lúc nào cũng ôm khư khư hay tập trung trông hành lý được. Nên cất những tài sản quí, tài liệu quan trọng vào giữa túi và bỏ những vật dụng có vẻ “tế nhị” (đồ lót chẳng hạn) vào túi để đánh lạc hướng kẻ gian. Không nên tìm điện thoại trong túi, vali khi tình cờ có ai đó nhắc bạn rằng bạn đang có điện thoại. Rất có thể “người có lòng tốt” nhắc bạn chính là một kẻ cắp “giả dạng”. Vì thế, thay vì kiểm tra ngay điện thoại, bạn không làm gì hết và chỉ bí mật kiểm tra ngay khi có thể Thay cho túi mỹ phẩm cồng kềnh, bạn hãy mua những bộ kit sản phẩm nhỏ hoặc mua những sản phẩm đa chức năng vừa đủ sử dụng trong thời gian đi nghỉ. Nơi an toàn để cất ví là túi trước, bên trái vì hầu hết mọi người (và kẻ móc túi) đều thuận tay phải. Bạn cũng có thể “đánh lừa” kẻ cắp bằng cách bỏ một cái ví trống không vào túi sau. Không nên vội vàng chen lấn để xếp hàng lên máy bay, tàu, xe... khi nghe thông báo (vừa mất trật tự lại dễ bị móc túi). Cần ngồi yên ở ghế chờ mọi người tuần tự sắp hàng. Hãy nhớ rằng bạn đã đặt chỗ rồi, không ai có thể lấy mất chỗ của bạn và chuyến đi sẽ chỉ bắt đầu sau khi mọi thứ đã được kiểm tra đầy đủ! Cần mang thêm những gì?

Chanh: Trên đường đi, có thể bạn sẽ phải đợi nhiều ngày mới được tắm rửa hoặc đôi khi việc tắm rửa không được thoải mái và tiện nghi như ở nhà. Khi đó, hãy chia đôi trái chanh và đặt trên vòi nước. Hương thơm của chanh còn có tác dụng giải độc và thư giãn rất tốt. Khi bị muỗi hay côn trùng cắn, bạn hãy thoa nước chanh lên vết cắn, sẽ bớt đau và mau lành.

Túi đựng đồ dùng cá nhân:
Mua một chiếc túi nhỏ để cất riêng những vật dụng cá nhân nhỏ hoặc sẽ được sử dụng thường xuyên.

Ảnh chụp mới nhất của con:
Nếu con bạn bị lạc, tấm hình đó sẽ giúp cảnh sát tìm trẻ dễ hơn là bạn chỉ miêu tả bằng lời, đó là chưa kể đến những khó khăn về ngoại ngữ nếu bạn đi du lịch nước ngoài.

Nước:
Những chuyến bay dài ngày có thể làm cơ thể bạn mất nước. Vì thế, hãy mua thêm vài chai nước dự trữ, vì không phải lúc nào các nhân viên cũng sẵn sàng để phục vụ bạn mọi lúc mọi nơi. Nên mang theo nước để giải nhiệt khi đến chơi ở các công viên giải trí. Ở đây người ta cũng có bán nhưng chắc chắn là sẽ không rẻ chút nào. Khi đi chơi biển, nếu bạn không thích phải liên tục chạy đi mua nước mát để giải khát, hãy mang theo những chai nước đã đông thành đá vì như thế sẽ giữ nước được lâu hơn.

Khăn lau khử mùi, kem chống nắng:
Hãy đem theo loại khăn lạnh dùng một lần có tác dụng khử mùi để giữ cơ thể luôn sạch, không “bốc mùi” và luôn có cảm giác tươi mát. Kem chống nắng sẽ giúp bảo vệ da khi bạn đi du lịch đến các vùng nắng nóng.
Radio, máy nghe nhạc cá nhân, sách báo: Những “phụ kiện” này sẽ giúp bạn thư giãn trong quá trình di chuyển và suốt kỳ nghỉ. Giá bán một chiếc radio, máy nghe nhạc cá nhân (như MP3, MP4) ngày nay không quá mắc. Với chiếc radio cá nhân, bạn có thể nghe bất cứ đài nào, giờ nào bạn thích mà không làm phiền người bên cạnh.

Cẩn thận với chứng tắc nghẽn mạch máu:
Một nghiên cứu mới đây của Pháp chỉ ra rằng những người đi xe hơi, máy bay hoặc tàu lửa lâu hơn năm giờ sẽ gia tăng nguy cơ bị tắc nghẽn mạch máu lên bốn lần. Mối nguy hiểm này đặc biệt gia tăng khi đi máy bay do tình trạng không vận động và mất nước.

Để tránh, bạn cần lưu ý:

- Suốt chuyến bay, cứ mỗi 30 phút hãy co duỗi cẳng chân, bàn chân cũng như các ngón chân.
- Đi bộ loanh quanh trong máy bay bất cứ khi nào có thể.
- Khi máy bay dừng ở các trạm tiếp nhiên liệu, hãy tranh thủ đi dạo.
- Ăn nhẹ, uống nhiều nước và hạn chế thức uống có cồn vì chúng có thể làm bạn mất nước.
- Mua một chiếc gối ngủ ở sân bay. Chiếc gối này rất nhẹ và giúp ích cho đầu và cổ bạn trong khi ngủ.
- Không uống thuốc ngủ.
- Tháo giày để chân được thoáng và thư giãn; mua một đôi vớ đặc biệt, có độn dày để mang trong suốt chuyến bay.
- Mang những loại quần áo dễ thay, rộng rãi. - Đối với phái nữ, rửa mặt và tẩy trang để da được “thở”, giữ ẩm cho da.

Vài lưu ý khác:
Tự email cho mình: Hãy tự gửi email cho mình với tất cả những tài liệu, thông tin quan trọng như số chuyến bay, số thẻ tín dụng, passport, bằng lái chẳng hạn để lỡ có mất chúng, bạn chỉ cần một cú nhắp chuột để vào email của mình là đủ!
Đánh dấu vali: Để tránh nhầm lẫn hay thất lạc hành lý của mình, bạn nên đánh dấu vali của mình với những miếng dán màu hoặc bất kỳ dấu hiệu nào dễ thấy nhất đối với bạn. Nếu cả nhà cùng đi du lịch, hãy mua vali đồng màu cho các thành viên. (Theo Tuổi Trẻ, BBC)

4. CHUẨN BỊ "BÙA" KHI ĐI CHƠI XA
Đi du lịch, đến những vùng đất lạ với khí hậu, thổ nhưỡng khác biệt, ngoài việc nên mang theo thực phẩm cao năng lượng (như EnPlus, PediaPlus...) phòng khi ăn kém, lạ miệng, như đã nêu ở những kỳ trước, thì cũng cần chuẩn bị sẵn một số thuốc men để không bị động khi chột bụng, nhức đầu, cảm cúm, say nắng...
Nhất là trong tình hình hiện nay các chăm sóc y tế tại các khu du lịch vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Thuốc men như "lá bùa" phòng bị cần thiết cho mỗi chuyến đi. Đầu tiên, chúng ta cần chuẩn bị các loại thuốc giảm đau, hạ nhiệt, đặc biệt khi trong đoàn có trẻ em. Thuốc thường dùng và tương đối an toàn hiện nay là Paracetamol như Acemol, Efferalgan, Panadol... Chuẩn bị sẵn các dạng thuốc thích hợp cho từng đối tượng, ví dụ gói bột hay viên hàm lượng thấp 80-150 mg cho trẻ nhỏ nặng 5-10 kg, viên 325 mg cho trẻ lớn khoảng 25-30 kg, viên 500 mg cho trẻ trên 30 kg và người lớn... Thuốc được dùng 4-6 lần mỗi ngày cách nhau ít nhất 4 giờ.

Nhóm thuốc không thể thiếu khác là thuốc dùng khi ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, thuốc trị tiêu chảy hay nôn ói. Berberin, điều chế từ cây vàng đắng của y học cổ truyền, có thể tương đối an toàn ở cả nguời lớn và trẻ em. Chuẩn bị thêm một lọ than hoạt (Carbogastryl, Carbophos...) có tác dụng hút hơi, chống sình bụng, vài gói men vi sinh (L-Bio, Lacteolfort, Biofidine...). Các loại thuốc cầm tiêu chảy hay chống nôn ói không nên tự ý dùng, nhất là với trẻ em vì tuy làm giảm triệu chứng tiêu chảy nhanh nhưng phân cùng với các độc tố không thoát ra ngoài được, ứ đọng trong lòng ruột có thể gây nguy hiểm. Những người hay bị say tàu xe nên chuẩn bị thêm thuốc chống say như Nautamin hay Stugeron.

Các món ăn lạ rất dễ gây dị ứng, mẩn đỏ, ngứa... Với trẻ em, chuẩn bị sẵn xi-rô Phenergan hoặc các loại kháng dị ứng thông thường như Polaramin, Chlopheniramin nhưng dễ gây buồn ngủ lừ đừ. Người lớn có thể dùng các dạng kháng dị ứng mới như Histalong, Cetirizine... Thường chỉ cần dùng 1 viên mỗi ngày và không gây ngủ.

Ngoài các nhóm thuốc chủ yếu trên, cũng nên chuẩn bị đầy đủ các loại bông gòn, băng gạc, các dung dịch tẩy trùng như cồn, nước oxy già, cồn iốt... đề phòng trường hợp té ngã, xây xát. Và đương nhiên, với những người có bệnh mãn tính cần dùng thuốc thường xuyên như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch... thì thuốc là phần không thể thiếu trong chuyến đi, thậm chí quan trọng hơn cả thức ăn và những đồ đạc khác.
(Theo Thanh Niên)


CHUẨN BỊ CỤ THỂ CHO MỘT CHUYẾN ĐI XA
Tiền bạc & Giấy tờ
  • Vé máy bay du lịch (nếu bạn là Việt Kiều cần mang vé máy bay khứ hồi về nước đang sinh sống)
  • Giấy/ số xác nhận nếu mua vé máy bay qua mạng
  • Hộ chiếu có visa (nếu cần)/Thẻ chứng minh nhân dân
  • Bản sao giấy đăng ký kết hôn (để check-in khách sạn khi đi cùng gia đình)
  • Bản sao giấy khai sanh của con cái (để check-in máy bay trong nước khi chưa có hộ chiếu, CMND)
  • Số điện thoại khẩn cấp – địa chỉ của Đại sứ quán Việt Nam (khi tự đi du lịch nước ngoài)
  • Thẻ khách hàng thường xuyên/ ưu đãi của hãng hàng không (Frequent flyer/ frequent guest cards)
  • 2 ảnh cá nhân (khổ làm hộ chiếu), bản sao thông tin cá nhân trong hộ chiếu (sử dụng khi mất hộ chiếu)
  • Voucher/ coupon/ các loại vé (khi book các dịch vụ)
  • Tiền mặt/ thẻ ATM
  • Ngoại tệ/ thẻ tín dụng/ thẻ có chức năng thanh toán quốc tế MasterCard (khi đi du lịch nước ngoài)
  • Các địa chỉ email cần thiết
  • Bản sao tiền sử bệnh án (nếu cần)
  • Bản sao danh sách đồ dùng mang theo (để kiểm tra khi mang về, hoặc khai báo khi mất hành lý)
  • Chương trình – thông tin hướng dẫn du lịch của Saigontourist
  • Giấy phép lái xe, bảo hiểm (nếu bạn tự lái xe đi du lịch)

Thiết bị điện, điện tử:

  • Điện thoại di động
  • Máy chụp ảnh (phim, kỷ thuật số), pin, sách hướng dẩn sử dụng
  • Máy nghe nhạc Ipod/ Discman/ MP3, pin
  • Máy quay phim, băng/disk để ghi hình
  • Máy xem phim DVD mini, đĩa phim DVD
  • Đồ sạc pin điện thoại di động, máy chụp ảnh, quay phim, laptop
  • Ổ cắm điện phù hợp hoặc ổ cắm đa quốc gia (khi du lịch nước ngoài)
  • Laptop (nếu cần thiết)

Thuốc men:

  • Thuốc tiêu hóa
  • Thuốc cảm, viêm họng, hạ sốt
  • Kem chống nắng, chống nứt môi, chống dị ứng … (tùy nơi đến)
  • Kem chống côn trùng/ bôi sau khi bị côn trùng cắn/ đốt (tùy nơi đến)
  • Kem chống dị ứng da
  • Vitamins
  • Băng cứu thương
  • Thuốc/biện pháp tránh thai
  • Thuốc chống say xe/ máy bay/ tàu

Các đồ dùng khác:

  • Túi đeo, balô, vali để đựng giấy tờ cần thiết, vé máy bay, hộ chiếu, tiền
  • Chìa khóa, ổ khóa hành lý (du lịch Mỹ phải có ổ khóa được cho phép)
  • Tạp chí, sách
  • Giấy ghi chú, viết
  • Bản đồ, sách hướng dẫn
  • Tự điển ngoại ngữ/ hội thoại thông dụng
  • Túi kim chỉ, nút (sewing kit)
  • Túi nôn
  • Máy tính đổi tiền
  • Bao plastic đựng quần áo đã sử dụng
  • Thuốc lá (nếu bạn hút thuốc. Mang ít hoặc không mang thì tốt hơn!)
  • Dụng cụ thể thao (vợt tennis, gậy đánh golf, đồ tắm…)
  • Bộ bài, đôminô, cờ tướng
  • Nút nhét tai chống ồn (khi ngủ)/ chống vào nước (khi bơi)
  • Mặt nạ che mắt khi ngủ
  • Gối ngủ (trên xe, máy bay)

NẾU BẠN LÀ NAM?

Trang phục:

  • Áo shơ-mi ngắn tay/ dài tay
  • Áo thun ngắn tay/dài tay
  • Quần dài, short
  • Quần áo thể thao
  • Quần áo ngủ (pijama)
  • Giày thể thao, sandals
  • Nón
  • Đồ lót
  • Dây nịt (thắt lưng)
  • Áo vest, giày da, vớ, cravat, tài liệu, business card (khi kết hợp hội nghị, công tác)
  • Khăn choàng cổ, nón, găng tay, áo quần ấm sát người, áo lạnh, áo len (nếu đến vùng có thời tiết lạnh)

Đồ dùng vệ sinh cá nhân:

  • Bàn chải, kem đánh răng, lược
  • Dầu gội, tắm nam
  • Kem và đồ dùng cạo râu
  • Dung dịch súc miệng
  • Keo xức tóc

NẾU BẠN LÀ NỮ?

Trang phục:

  • Áo shơ-mi ngắn tay/ dài tay
  • Áo thun ngắn tay/ dài tay
  • Quần áo lót
  • Quần áo ngủ
  • Váy dài, ngắn
  • Giày thể thao, sandals
  • Quần dài, short
  • Nón rộng vành
  • Vớ
  • Đồ trang sức – vòng, đeo cổ, đeo tay, kẹp, dây buộc tóc
  • Trang phục công sở, giày da, vớ, tài liệu, business card (khi kết hợp hội nghị, công tác)
  • Khăn choàng, nón, găng tay, áo quần ấm sát người, áo lạnh, áo len (nếu đến vùng có thời tiết lạnh)
  • Đồ dùng vệ sinh, cá nhân:
  • Bàn chải, kem đánh răng, lược
  • Dầu gội, tắm nữ
  • Dung dịch súc miệng
  • Mỹ phẩm
  • Keo xức tóc
  • Bàn ủi du lịch
  • Dung dịch tẩy trang
  • Tampons

NẾU BẠN CẦN CHUẨN BỊ ĐỒ CHO TRẺ EM ĐI CÙNG (CON, EM, CHÁU)?

  • Khăn lông
  • Khăn giấy ướt (hộp)
  • Tả giấy
  • Mền đắp, quấn (nhẹ, mềm)
  • Tấm trải không thấm nước
  • Ghế của bé trên xe (nếu bạn đi bằng xe riêng)
  • Nôi, xe đẩy
  • Túi địu bé sau lưng/ trước ngực
  • Nhiều quần áo ngoài/ lót ban ngày, ban đêm (để thay đổi), áo quần ấm, vớ
  • Dầu, phấn trẻ em
  • Đồ chơi/ giải trí (tùy lứa tuổi)
  • Túi đựng đồ sử dụng, đựng tả giấy sử dụng…
  • Phao, kính mát, nón, kem chống nắng, chống côn trùng, đồ tắm
  • Kẹp, dây buộc tóc cho bé gái
  • Sữa, nước trái cây đóng hộp, thức ăn trẻ em
  • Hộp sữa, bình sữa, dụng cụ pha sữa, bình hâm sữa, máy khử trùng đồ dùng ăn uống của bé
  • Bình, ly uống nước, muỗng, tô/ chén có nắp
  • Nước đóng chai cho bé
  • Thức ăn nhẹ
  • Truyện tranh
  • Yếm
  • Gối mềm
  • Giầy & dép
  • Áo khoác (dù đến nơi có khí hậu nóng, do máy điều hòa trong nhà hàng có thể rất lạnh với bé)
  • Dầu tắm, gội và đồ dùng vệ sinh cá nhân

ĐỒ DÙNG ĐI BIỂN

  • Đồ tắm (2 bộ/ người)
  • Giầy sandals, không thấm nước
  • Kính bơi, mặt nạ – ống lặn
  • Máy quay phim không thấm nước
  • Nón rộng vành
  • Kính mát
  • Kem chống nắng
  • Nút nhét tai (nếu cần khi bơi)
  • Phao, bơm

ĐỒ DÙNG DÃ NGOẠI

  • Dầu/kem chống côn trùng
  • Thuốc xức sau khi bị côn trùng đốt/cắn
  • Giầy dã ngoại
  • Nón len, vớ nếu khí hậu lạnh

ĐỒ DÙNG KHI TRỜI MƯA

  • Dù/tấm che mưa (Ponchos)
  • Áo quần đi mưa
  • Giầy phù hợp
  • Vớ dự phòng
(Theo SGTourist)
Khuyến mãi tháng 11/2008: Thailand (6n): 198 + 148usd Thuế; Singapore (4n): 309 + 128; Mã Sing (7n): 409 + 129 usd Thuế

Tìm đường

Tuổi Trẻ Online - Du Lịch

24 Giờ - Du lịch

Báo Người Lao Động - Du lịch

Thảo luận