Du lịch Việt Nam... những kỷ lục thú vị!

Tòa nhà cao nhất TP.HCM

Photobucket
Tòa nhà mang tên Sai Gon Trade Center gồm 34 tầng và 1 tầng hầm để xe, trên một diện tích 54.028m2, được xem là tòa nhà cao nhất thành phố Hồ Chí Minh.

Tòa nhà này được khởi công xây dựng vào tháng 4 năm 1994 và đến giữa tháng 7 năm 1997 được đưa vào sử dụng. Chủ đầu tư là công ty Luks Industrial Company, Ltd (Hồng Kông).

Cấu trúc xây dựng của tòa nhà bằng bê tông cốt thép và tường có kiếng bao bọc. Tòa nhà có 10 thang máy tốc độ cao dành cho khách hàng ở 3 khối lầu, 2 thang máy cho nhân viên phục vụ tòa nhà và 4 thang lăn cho khu vực bán lẻ. Tòa nhà Saigon Trade Center do công ty WMKY Architects Engineer Ltd. (Hồng Kông) thiết kế, công ty Project Start Limited (Hồng Kông) tư vấn, công ty Pentad Construction Company, Ltd (Hồng Kông) làm quản lý dự án.


Ngôi trường xưa nhất miền Nam

Photobucket

Trường Phổ thông trung học Lê Quý Đôn ở số 110 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh là ngôi trường trung học đầu tiên ở Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh.

Ngôi trường được xây dựng theo nghị định của Thống soái Nam Kỳ - Thiếu tướng Hải quân Krantz ký ngày 14/1/1874. Vào bấy giờ, trường mang tên Chasseloup Laubat (Collège Chasseloup Laubat), lấy tên người giữ chức Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại còn gọi là Bộ Thuộc địa.

Năm 1958, trường đổi tên là Lycée Jean - Jacques Rousseau - tên một nhà trí thức Pháp hoạt động trong phong trào Ánh Sáng thế kỷ XVIII. Đến năm 1966, trường vinh dự mang tên Lê Quý Đôn (1726-1784) - nhà bác học uyên bác của Việt Nam sống vào thế kỷ XVIII.

Trường Phổ thông trung học Lê Quý Đôn cũng là ngôi trường xưa nhất tại miền Nam, thu hút được nhiều học sinh ưu tú trong cả khu vực lục tỉnh Nam Kỳ vào học. Nhiều thế hệ học sinh xuất thân từ trường Lê Quý Đôn, đã thành đạt và tên tuổi còn vang danh cho đến nay như: Giáo sư Trần Văn Giàu, nhà văn hóa Vương Hồng Sển, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng (nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế), Giáo sư - viện sĩ Trần Đại Nghĩa, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà (Trưởng ban Việt kiều Trung ương), nhạc sĩ Trịnh Công Sơn…


Trường ĐH đầu tiên của Việt Nam

Photobucket

Năm 1076 (Bính Thìn) dưới triều vua Lý Nhân Tông (1072-1128), Quốc Tử Giám được thành lập ngay tại kinh thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay) kề ngay phía sau Văn Miếu. Đây là trường đại học đầu tiên và duy nhất của Việt Nam dưới thời phong kiến.

Quốc Tử Giám là tên gọi vào thời Lý (1010-1225), đến thời Trần (1225-1400) gọi là Quốc Tử Viện sau đổi thành Quốc Học Viện. Sang thời Lê (1428-1788) trường mang tên Thái Học Viện, nhà trường lúc này được mở rộng, có quy mô học đường, có ký túc xá, lại là nơi trực tiếp in sách. Vào thời Nguyễn (1802-1945), khi kinh đô chuyển vào Huế, nhà Nguyễn lập Quốc Tử Giám ở Huế nên nơi này lại mang tên Văn Miếu và tồn tại cho tới ngày nay.

Quốc Tử Giám là trung tâm văn hóa giáo dục lớn của cả nước. Ban đầu, đây là nơi học của hoàng tử và con em tầng lớp quý tộc, nhưng về sau mở cửa đón tiếp nhân tài trong cả nước đến học tập và rèn luyện. Chu Văn An, người thầy tiêu biểu đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam từng làm Quốc Tử Giám Tư Nghiệp (hiệu trưởng) của trường.

Thành phố Hà Nội đã thành lập tại đây “Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám” để phát huy tác dụng của di tích văn hóa đứng đầu cả nước này trong các hoạt động văn hóa khoa học của thủ đô.


Nhà thờ có bộ chuông lớn nhất Việt Nam

Nha tho Duc Ba - TP.HCM

Tọa lạc giữa quảng trường Công xã Paris, Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn là ngôi giáo đường nguy nga tráng lệ và cổ kính được xây dựng từ năm 1877 và hoàn thành vào năm 1880.

Nhà thờ có chiều dài 93m, rộng 35,90m, cao 57m. Tất cả các vật liệu xây dựng như xi măng, gạch, ngói, sắt thép, đinh ốc… đều được đưa từ Pháp sang. Tường gạch mặt ngoài của nhà thờ là loại gạch đặc biệt do kiến trúc sư Bourard đặt hãng gạch ngói Marseille (Pháp) làm. Loại gạch này không phai sắc mà đến rêu và bụi cũng không thể bám vào được.

Đặc biệt, Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn có một bộ chuông vĩ đại và quý hiếm gồm 6 quả được chế tạo tại Pháp, được kiến trúc sư Bourard đưa sang Sài Gòn vào tháng 5-1879. Bộ chuông có sức nặng gần 29 tấn (kể cả hệ thống đối trọng), các quả chuông có tên sol, la, si, đô, rê, mi. Bộ chuông này được xem là bộ chuông lớn nhất trong các ngôi nhà thờ ở Việt Nam.


Nhà thờ có sức chứa lớn nhất Việt Nam

Nha tho Bao Loc

Nhà thờ Bảo Lộc hiện nay là nhà thờ có sức chứa lớn nhất trong các nhà thờ ở Việt Nam, khả năng chứa khoảng 3000 giáo dân. Theo thiết kế ban đầu để xây dựng nhà thờ Bảo Lộc năm 1993 của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ là phần nhà thờ có diện tích 60mx60m=3600m2, không kể công trình phụ là tháp chuông nằm bên cạnh. Nếu thực hiện đúng thiết kế thì nhà thờ Bảo Lộc sẽ là nhà thờ lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Nhưng mới chỉ thực hiện được 1/20 thì linh mục Vương Văn Điền qua đời, do đó không có khả năng để tiếp tục. Đến năm 1997, bản thiết kế được điều chỉnh thu gọn trong diện tích 42mx42m=1764m2 và chiều cao chỉ còn 31m thay vì 53m theo thiết kế ban đầu. Phần trần nhà thờ với một mái vòm tròn đường kính 36m, được chia thành 12 cánh ôm lấy vòng trung tâm (đường kính 6m), bằng chất liệu thạch cao với những nét khắc tinh tế, cũng là một điểm nhấn của công trình nội thất. Trong nhà thờ có bộ tranh kính màu có diện tích 66m2 gồm 33 bức, đây cũng là bộ tranh kính màu lớn nhất trong các nhà thờ của Việt Nam.


Tượng Chúa Giêsu lớn nhất Việt Nam

Photobucket

Tượng Chúa Giêsu đứng ở độ cao 170m trên đỉnh núi Tao Phùng, thành phố Vũng Tàu hiện là tượng Chúa Giêsu lớn nhất Việt Nam. Tượng có chiều cao 32m đứng dang tay, mặt hướng ra biển. Chiều dài hai cánh tay là 18,4m. Tượng Chúa được đặt trên bệ khối chạm hình Chúa và 12 tông đồ. Đường lên tượng dài trên 500m với gần 1.000 bậc. Tượng được xây dựng vào năm 1971 và hoàn thành năm 1995. Cách thức xây dựng tượng phần lớn bằng phương pháp lắp ráp các khối bê tông đúc sẵn. Bên trong tượng có cầu thang xoắn ốc 133 bậc, chạy từ bệ lên cổ tượng, có thể chứa cả trăm người. Hai bên vai tượng Chúa được thiết kế như hai balcon, mỗi bên đủ chỗ cho nhiều người cùng lúc đứng ngắm cảnh biển khơi, núi đồi. Dưới chân tượng là phòng trưng bày những tranh, ảnh giới thiệu quá trình xây dựng tượng đài khổng lồ này.


Tỉnh có nhiều vườn quốc gia nhất Việt Nam

Tinh Daklak

Đắk Lắk có đến 2 vườn quốc gia: Yok Don và Chư Yang Sin với tổng diện tích 174.812ha cùng nhiều loài thực, động vật phong phú, quý hiếm.

Vườn quốc gia Yok Don được thành lập vào năm 1992 tại Buôn Đôn với diện tích 115.545ha (thống kê 2002). Đây được coi là vườn quốc gia có diện tích lớn nhất nước và là khu vực duy nhất tại Việt Nam bảo tồn được hệ sinh thái rừng khộp. Rừng khộp là loại rừng khô, thưa, chủ yếu là cây họ dầu, có đặc trưng rụng lá vào mùa khô. Còn vào mùa mưa, thảm cỏ và lớp thực bì phát triển mạnh, trở thành nguồn thức ăn dồi dào cho các loài động vật.

Vườn quốc gia Yok Don hiện có hơn 500 loài thực vật, 70 loài thú và 200 loài chim cư trú.

Vườn quốc gia Chư Yang Sin khu bảo tồn thiên nhiên Chư Yang Sin chính thức thành lập năm 1998. Đến năm 2002, Chư Yang Sin được công nhận là vườn quốc gia. Khác với Yok Don, Chư Yang Sin chỉ rộng 59.267 ha, gồm hàng loạt đồi núi dốc bao lấy một khu vực rừng rộng lớn. Đây là vùng được công nhận là trung tâm đặc hữu của các loài chim và loài thực vật ở mức độ toàn cầu; tại đây có 7 trong 8 loài chim đặc hữu, 3 loài và 25 phân loài chim có vùng phân bố toàn cầu giới hạn trong EBA (vùng chim đặc hữu) cao nguyên Đà Lạt. Chư Yang Sin còn là khu vực bảo vệ diện tích rừng rất lớn trên dòng sông Srepốk - nhánh của sông Mê Kông.


Khu bảo tồn thiên nhiên đầu tiên ở Việt Nam.

Rung quoc gia Cuc Phuong

Khu bảo tồn thiên nhiên Cúc Phương được thành lập ngày 7-7-1962 thuộc địa bàn ba tỉnh: Thanh Hóa, Ninh Bình và Hòa Bình. Đây là khu bảo tồn thiên nhiên đầu tiên ở Việt Nam.


Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên ở Việt Nam.

Rung ngap man Can Gio

Rừng ngập mặn Cần Giờ có tổng diện tích 38.663,98ha gồm các cây được trồng như đước, bạch đàn, dừa lá, mắm, đưng, gõ biển, dà, trang, vẹt, tra, suổi, cóc... Các cây trồng nói trên thuộc 212 loài thực vật, trong đó có 33 loài thuộc 15 họ là loài ngập mặn, 53 loài thuộc 29 họ là loài tham gia rừng ngập mặn, 126 loài thuộc 45 họ là loài nhập cư. Về động vật có 70 loài không xương sống thủy sinh, cá: 137 loài, lưỡng thê: 9 loài, bò sát: 31 loài, chim: 130 loài, thú: 19 loài. Rừng ngập mặn Cần Giờ là là Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam đã được Ủy Ban con người và sinh quyển của UNESCO công nhận vào ngày 21-1-2000.


Công viên đá độc đáo nhất Việt Nam.

Cong vien da Ngoc Chau

Ngày 4-9-2003, khu nghỉ dưỡng Ngọc Châu ra đời tại Bảo Lộc. Không ai ngờ rằng, một vùng đất nằm ven quốc lộ 20, cách thị xã Bảo Lộc chừng 10km trước đây là một vùng đất rất hoang sơ và ảm đạm, nhưng chỉ sau 3 năm (2001-2003) lại trở thành thiên đường với một công viên vô cùng độc đáo, có một không hai ở Việt Nam - công viên đá Ngọc Châu. Công viên đá này chính là tâm huyết của đôi vợ chồng rất say mê sưu tầm đá - anh Đinh Công Phương và chị Huỳnh Thị Hoa.


Vườn thú mở đầu tiên ở Việt Nam

KDL Dai Nam - Binh Duong

Đó là vườn thú Đại Nam, nằm trong Khu du lịch Văn hóa Lịch sử Đại Nam (tỉnh Bình Dương). Vườn thú có diện tích 10ha, được thiết kế theo dạng mở, không có hàng rào sắt nhốt kín thú mà thay vào đó là những hào nước, hàng cây hay vách đá bao bọc. Ngăn cách giữa khách tham quan và các loại thú là hào nước (không bị hàng rào che tầm mắt), vì vậy, khách tham quan có cảm giác gần gũi, thân thiện với chúng và như đang ở môi trường thiên nhiên hoang dã thật sự. Vườn thú Đại Nam có rất nhiều loại thú, đặc biệt là có nhiều loại thú quý hiếm lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam như: Tê giác trắng (ceratotherium), sư tử trắng (panthera), linh dương sừng kiếm (oryx gazella), linh dương sừng xoắn (tragelaphus strepsiceros), khỉ sóc (saimiri sciureus), các loài bò sát Nam Mỹ như Anoles Lizard, Rainbow Coloured Lizard… Ngoài ra, còn có vườn thú đêm, dự kiến sẽ mở cửa vào ban đêm (từ 19h-23h) cho du khách tận mắt chứng kiến cảnh sinh hoạt ban đêm của chúng bằng hệ thống đèn ánh trăng.


Bảo tàng rắn đầu tiên ở Việt Nam

Trai ran Dong Tam

Bảo tàng rắn Đồng Tâm được xây dựng năm 1996, nằm trong khuôn viên khu bảo tồn các loại động vật hoang dã thuộc Trung tâm Nuôi trồng Nghiên cứu Chế biến Dược liệu Quân khu IX.

Đây là Trung tâm được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ bảo tồn các loại động vật quý hiếm, nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc y học cổ truyền dân tộc và cấp cứu điều trị rắn độc cắn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Từ một số loài rắn vùng Nam Bộ, đến nay Bảo tàng đã trưng bày và nuôi hơn 52 loài rắn với nhiều loài quí hiếm như: mai gầm, hổ mang, hổ chúa, cạp nia… Con rắn lớn nhất từng được nuôi ở đây nặng đến 18kg. Bảo tàng còn lưu giữ tiêu bản của hầu hết các loại rắn hiện đang sống ở Việt Nam.

Trại rắn Đồng Tâm là nơi cung cấp những kiến thức và hình ảnh thực tế, sống động về loài bò sát đặc biệt này. Vì thế, bảo tàng rắn đặc biệt hấp dẫn các nhà khoa học, học sinh - sinh viên, những người thích nghiên cứu, tìm hiểu về bò sát. Bên cạnh đó, Trung tâm Nuôi trồng Nghiên cứu Chế biến Dược liệu Quân khu IX còn sản xuất các loại thuốc y học cổ truyền dân tộc có tác dụng bồi bổ cơ thể và điều trị bệnh từ trăn, rắn, cao trăn, mỡ trăn…


Nơi sưu tập thực vật và động vật đầu tiên tại Việt Nam.

Thao cam vien Saigon

Thảo Cầm Viên Sài Gòn là nơi sưu tập thực vật và động vật đầu tiên tại Việt Nam. Được khởi công xây dựng vào tháng 3 năm 1864 hoàn thành năm 1865 với tên gọi là Vườn Bách Thảo.

Giám đốc đầu tiên là ông J. B. Louis Pierre (1833-1905). Ban đầu trồng các loại thảo mộc quý của Việt Nam và các nước như: Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia v.v… Về sau, do đưa thêm nhiều loài cầm thú lạ vào trưng bày nên được đổi tên là Sở Thú.

Thảo Cầm Viên Sài Gòn được xem là công viên văn hóa - khoa học về động và thực vật lớn nhất nước có diện tích 17,6ha, thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan hàng năm.

Nơi đây có bộ sưu tập động vật và thực vật đa dạng và phong phú. Động vật gồm 600 cá thể thuộc 120 loài, trong đó có 107 loài thú hiếm của thế giới như: vọc vá chân đen, sói lửa, báo gấm, mèo gấm, sếu đầu đỏ, trĩ sao v.v…

Thực vật có khoảng 2.000 cây thuộc 360 loài, có nhiều cây lâu năm như: giáng hương, sọ khỉ (xà cừ), dầu con rái v.v...


Công viên rộng nhất TP.HCM

KDL Dam Sen

Công viên Văn hóa Đầm Sen thuộc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist) được xem là công viên có diện tích rộng nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh, có tổng diện tích 51,4ha, riêng diện tích mặt nước là 11,9ha.

Đầm Sen có 52 trò chơi phục vụ vui chơi, giải trí, cảm giác mạnh như: đu quay đứng, vượt thác... trong đó hấp dẫn nhất là tàu lộn vòng siêu tốc.

Một cái nhất khác của Công viên văn hóa Đầm Sen, đây là khu nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn mang tính liên hợp gồm khu vui chơi trên cạn, dưới nước, siêu thị, thể thao… nên Đầm Sen hàng năm thu hút một lượng khách tham quan vào hàng đông nhất, khoảng 4 triệu lượt khách.

Đầm Sen còn là nơi tập thể dục thể thao của khá đông người. Có từ 6.000 đến 7.000 người, hàng ngày đến đây vào các buổi sáng luyện tập và hít thở không khí trong lành mở đầu công việc cho một ngày mới. Đây có thể kể là một cái nhất nữa của Công viên Văn hóa Đầm Sen.


Bộ phim tài liệu truyền hình dài nhất VN

Mekong ky su

Mê Kông ký sự là bộ phim tài liệu hoành tráng nhằm tái hiện chân dung của một dòng sông lớn vào hàng thứ 6 trong các dòng sông trên Trái Đất.

Bộ phim đã sử dụng băng Betacam SP và DV làm chất liệu để ghi hình với thời lượng là 20.000 phút, riêng số lượng ảnh chụp trên 14.000 bức ảnh. Với 75 tập phim, mỗi tập có độ dài 20 phút, Mê Kông ký sự là bộ phim tài liệu truyền hình dài tập nhất Việt Nam. Đây là bộ phim thực hiện theo thể loại ký sự buộc những người làm phim phải trực tiếp đến tận nơi ghi lại những hình ảnh ưng ý, chân thật nhất, đồng thời lời bình trong phim thật sống động và đầy cảm xúc.

Từ năm 2001 đến năm 2004, đoàn làm phim đã đi khảo sát, ghi hình bốn chuyến tại Trung Quốc, hai chuyến tiền trạm tại Lào - Thái - Campuchia, một chuyến ghi hình tại Lào - Myanmar - Thái Lan - Campuchia, một chuyến tại Campuchia và năm chuyến tại Việt Nam. Đoàn làm phim thực hiện 37 chuyến bay với tổng chiều dài 53.800km, 3 chuyến bằng phương tiện đường sắt dài 2.400km, 1.200km đường thủy, 40.690km đường bộ. Và đã khám phá nơi phát nguồn của dòng sông chính là cao nguyên Thanh Tạng tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc).

Dưới góc độ địa lý - nhân văn, các nhà làm phim cố gắng đem đến cho người xem sự cảm nhận ngoài yếu tố tự nhiên, sông Mê Kông còn là một dòng sông về văn hóa. Vì vậy, mỗi thước phim cung cấp cho người xem một cách chân thực những cảnh quan thiên nhiên vừa trữ tình vừa hùng vĩ, cũng như đời sống các dân tộc của 6 nước nằm dọc theo hai bờ sông Mê Kông như: sinh hoạt, lễ hội văn hóa… được tích tụ từ rất lâu đời. Bộ phim do Nghệ sĩ nhân dân Phạm Khắc chủ biên và tổng đạo diễn, nhà biên kịch Trần Đức Tuấn viết kịch bản và lời bình. Có thể nói Mê Kông ký sự là phim đỉnh cao của Hãng Phim Truyền Hình Thành Phố Hồ Chí Minh (TFS), từ chất chuyên nghiệp, số lượng tập cho đến năng suất lao động trong thực hiện phim.


Tháp truyền hình cao nhất Việt Nam.

Dai PT-TH Binh Duong

Sau 10 tháng thi công (khởi công từ ngày 21-6-2004), ngày 15-4-2005, tháp Anten mới của Đài Phát thanh Truyền hình Bình Dương - BTV được khánh thành. Tháp Anten này cao 252m, trên một diện tích mặt bằng 2.025m2 do Đài Phát thanh Truyền hình Bình Dương - BTV và Công ty Đầu tư và Phát triển công nghệ truyền hình hợp tác xây dựng với kinh phí hơn 40 tỉ đồng. Đơn vị thiết kế, thi công lắp đặt và cung ứng vật tư làhãng Le Plance (Úc). Bán kính phủ sóng của tháp Anten mới này là 100km so với 60km của tháp Anten cũ. Tháp Anten của Đài Phát thanh Truyền hình Bình Dương - BTV được xem là tháp truyền hình cao nhất Việt Nam.


Con đường đô thị đẹp nhất VN năm 2001-2002

Duong Halong - Vungtau

Đường Quang Trung - Hạ Long của thành phố Vũng Tàu có chiều dài 4,52km là đường đô thị loại 1, có bề rộng mặt đường từ 14 - 21m, là tuyến đường có vị trí rất đẹp với một bên là biển, một bên được bao quanh bởi Núi Nhỏ (Vũng Tàu).

Đây là nơi nghỉ mát, du ngoạn, vui chơi lý tưởng của người dân Vũng Tàu cũng như du khách trong và ngoài nước. Tuyến đường hợp với hệ thống kè biển tạo thành một công viên lớn của thành phố.

Trong cuộc thi “Con đường đẹp nhất Việt Nam 2001- 2002” do Công đoàn Giao thông Vận Tải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) tổ chức, đường Quang Trung- Hạ Long cùng với đường Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) được chọn là con đường đô thị đẹp nhất Việt Nam.


Đại lộ qua thành phố dài nhất Việt Nam

Dai lo Hung Vuong - Viet tri

Đại lộ Hùng Vương (QL 2, đoạn đi qua thành phố Việt Trì) có điểm đầu từ đê Bồ Sao (giáp địa phận Bạch Hạc), điểm cuối là ngã ba Hoàng (thuộc xã Vân Phú), dài 15km.

Đại lộ bắt đầu từ km 68 đến Km53; bề ngang của mặt đường 32m. Đường được đổ bê tông nhựa (áp phan), chạy 2 chiều và có dải phân cách cứng rộng 2m. Hè đường (đường dành cho người đi bộ) rộng 12m ( mỗi bên 6m). Suốt 15km, số nhà liên tục lên đến trên 2000 và vẫn còn phát triển thêm nữa. Nếu đánh hết số thì lên đến hàng vạn.

Điều đặc biệt, trên đoạn đường này ngoài bóng đèn cao như các đại lộ khác còn có cả bóng đèn chùm như trong công viên.


Tuyến đường sắt đầu tiên tại Việt Nam

Duong sat SG - Mytho

Đó là tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho. Ngày 20 – 7 - 1885, tuyến đường sắt hoàn thành. Sau 73 năm tồn tại, năm 1958, tuyến đường sắt này bị dỡ bỏ.


Phố đi bộ đầu tiên ở Việt Nam.

Pho di bo Dalat

Phố đi bộ này hình thành vào ngày 1-11-2003, gồm các tuyến đường đi bộ: khu Hòa Bình (không kể bến xe Tùng Nghĩa cũ), toàn tuyến đường Tăng Bạt Hổ, đường Trương Công Định, đường 3-2 tính từ ngã ba 3-2 và Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến khu Hòa Bình, đường Nguyễn Chí Thanh - từ khách sạn Ngọc Lan đến khu Hòa Bình và toàn tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai. (Đà Lạt - Lâm Đồng).


Tỉnh có chiều dài đường quốc lộ dài nhất Việt Nam.

Daclak

Đắk Lắk là tỉnh có 4 đường quốc lộ chạy qua địa bàn tỉnh: quốc lộ 14, quốc lộ 14C, quốc lộ 26 và quốc lộ 27. Với tổng chiều dài đường quốc lộ là 397km2 , Đắk Lắk là tỉnh có chiều dài đường quốc lộ dài nhất Việt Nam.


Khách sạn 5 sao đầu tiên tại TP.HCM

KS New world

Khách sạn New World Saigon tọa lạc ngay khu trung tâm thương mại của TP.HCM, chỉ cách chợ Bến Thành - ngôi chợ lâu đời nhất của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh – khoảng 5 phút đi bộ.

New World Saigon được khởi công xây dựng vào ngày 21-11-1991 và đưa vào hoạt động ngày 08 – 10 - 1994, do kiến trúc sư TaoHo (TaoHo Design – Hong Kong) thiết kế. Ngay khi hình thành dự án vào năm 1989, Công ty Liên doanh Khách sạn Saigon Inn (phía Việt Nam: Tổng Công ty Du lịch Saigon, phía nước ngoài: New World Hotels Ltd.) đã lập kế hoạch xây dựng New World thành khách sạn đạt chuẩn 5 sao

Khách sạn New World Saigon có tổng diện tích mặt bằng 12.192m2, tổng diện tích xây dựng 55.760m2, số tầng là 14 và chiều cao 60m. Khách sạn có 560 phòng dành cho khách, các phòng được bài trí thẩm mỹ với đầy đủ thiết bị thông tin hiện đại. Khách sạn New World Saigon là thật sự điểm dừng chân của du khách quốc tế, đáp ứng đúng tiêu chuẩn mà du khách mong đợi. Khách sạn còn có sân golf mini, hồ bơi, đường chạy bộ… giúp du khách thư giãn và luyện tập thể thao.

Ngày 25 tháng 2 năm 1999, Tổng cục Du lịch Việt Nam quyết định công nhận Khách sạn New World Saigon là khách sạn xếp loại tiêu chuẩn 5 sao.


Khách sạn xưa nhất

KS Continental

Bạn muốn thưởng thức cà phê kiểu Ý, các món ăn Việt Nam và Châu Âu hay thăm lại căn phòng mà nhà văn người Anh Graham Greene tác giả cuốn tiểu thuyết Người Mỹ Trầm Lặng (The Quite American) đã ở, cũng như để thả mình vào một không gian đặc trưng của kiến trúc phương Tây trong khung cảnh Á Đông, mời bạn đến “GRAND - LADY” một cách gọi thân mật của nhà báo Mark Phillip Yablonka dành cho khách sạn Continental.

Đây là khách sạn đầu tiên của Sài Gòn được xây dựng vào năm 1880, tọa lạc tại trung tâm thành phố. Continental gồm 83 phòng được trang trí và xây dựng theo kiểu kiến trúc lâu đài xưa. Khách sạn đã hai lần đón tiếp hai vị Tổng thống Cộng hòa Pháp Valery Giscard d’Estaing và Jacques Chirac.

Có dịp dừng chân tại Continental, bạn sẽ xem lại những bức ảnh, bằng chứng sống động cho dòng thời gian đã trôi qua nơi đây. Khi bước chân vào khu sân vườn Continental Patio, bạn lại được nhìn thấy nhiều loại cây trong đó có cây bông sứ (Plumeria rubba (Frangipani) bằng số tuổi của khách sạn. Continental là khách sạn đầu tiên đưa món phở vào thực đơn ăn sáng khiến thực khách nước ngoài ưa chuộng,ï với tên gọi: “Phở Đại Lục Lữ quán”. Khách sạn Continental còn được gắn cho danh xưng: Cung điện huyền thoại và độc đáo ở Việt Nam.


Khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao đầu tiên do người Việt Nam quản lý.

KS Majestic

Được xây dựng vào năm 1925, theo kiến trúc giống của khách sạn vùng Côte d’Azur của Pháp, khách sạn Majestic ban đầu chỉ có 3 tầng lầu với 44 phòng ngủ. Sau nhiều lần nâng cấp sửa chữa, hiện nay Majestic có 175 phòng, 6 nhà hàng và quầy bar. Majestic có 175 phòng, 6 nhà hàng và quầy bar. Do vậy, ngày 27/02/2007 Majestic được Tổng Cục Du Lịch Việt Nam quyết định công nhận là khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao. Và trở thành khách sạn 5 sao đầu tiên do người Việt Nam quản lý.


Nhà máy thủy điện đầu tiên ở Việt Nam

thủy điện Ankroet

Nhà máy thủy điện Ankroet được xây dựng tại xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, nằm ở phía thượng nguồn sông Đa Dung, là phụ lưu cấp 1, bờ phải của sông Đồng Nai. Được khởi công xây dựng từ năm 1943, đến năm 1944 thì hoàn thành. Đây là nhà máy thủy điện đầu tiên ở Việt Nam. Công trình này có nhiệm vụ cung cấp điện cho thành phố Đà Lạt với công suất 2.300KW. Điện sản xuất ra được truyền tải về Đà Lạt bằng tuyến đường dây 6,6KV, dài 13km. Đến năm 1960, Nhà máy Thủy điện Ankroet được người Nhật nâng công suất lên 3.100KW để cấp điện cho công trình xây dựng nhà máy thủy điện Đa Nhim. Đến nay, sau hai lần nâng cấp cải tạo, công suất hiện tại của nhà máy là 4.400KW.


Nhãn hiệu nước khoáng đầu tiên tại Việt Nam

Nuoc khoang Vinh Hao

Vĩnh Hảo là nhãn hiệu nước khoáng đầu tiên xuất hiện trên thị trường Việt Nam. Năm 1928, Công ty Société Civile D’Etudes Des Eaux Minérals De Vinh Hảo bắt đầu xây dựng nhà máy để khai thác nguồn nước khoáng từ suối nước nóng Vĩnh Hảo (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) với công suất 3.000 lít/giờ.

Tháng 10/1930, sản phẩm nước khoáng Vĩnh Hảo chính thức được tung ra thị trường, xuất khẩu sang các nước Đông Dương và sang cả Pháp, vì được người Pháp đánh giá có chất lượng tốt ngang bằng với nước khoáng Vichy nổi tiếng của Pháp. Năm 1958, nước khoáng Vĩnh Hảo được đóng chai hoàn chỉnh, có mẫu mã trang nhã và nhãn hiệu được in thẳng trên chai thủy tinh có logo như hiện nay.

Sau 1975, Nhà máy Vĩnh Hảo do Ủy ban Nhân dân huyện Tuy Phong tiếp quản. Năm 1976, Xí nghiệp quốc doanh nước suối Vĩnh Hảo được thành lập, cho đến năm 1995, Công ty Cổ phần nước khoáng Vĩnh Hảo ra đời đã đầu tư nhiều thiết bị và dây chuyền sản xuất hiện đại. Công ty Cổ phần Nước khoáng Vĩnh Hảo là doanh nghiệp sản xuất nước khoáng đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng quốc tế ISO 9002 và cũng là doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu nước khoáng sang thị trường Mỹ, Úc, Canada, Đài Loan...


Lò phản ứng hạt nhân đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam.

Lo phan ung hat nhat DL

Đầu năm 1960, chính quyền Sài Gòn đã khởi công xây dựng lò phản ứng Triga Mark II tại thành phố Đà Lạt. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Viện Nghiên cứu hạt nhân được thành lập theo Nghị quyết số 64CP ngày 26-4-1976 của Thủ tướng Chính phủ.


Nhà ga duy nhất Việt Nam được công nhận di tích kiến trúc quốc gia.

Nha ga xe lua Dalat

Nhà ga Đà Lạt là một công trình kiến trúc nổi tiếng, thể hiện nét đặc thù riêng của Đà Lạt. Nhà ga được xây dựng vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, do hai kiến trúc sư người Pháp là Moncet và Reveron thiết kế, và người thi công là thầu khoán Võ Đình Dung, với kinh phí xây dựng là 200 ngàn France.


Tuyến cáp treo vượt biển dài nhất Việt Nam.

Cap treo Honngocviet

Khởi công xây dựng vào tháng 4 năm 2006, tuyến cáp treo vượt biển từ cảng du lịch Phú Quý - Nha Trang sang khu du lịch và giải trí Vinpearl Land của Công ty CP Du lịch và Thương mại Vinpearl đã được khánh thành ngày 10-3-2007. Tuyến cáp treo này dài 3.320m, có bảy trụ cáp trên biển với độ cao từ 55m đến 65m, chiều cao tính từ chân móng đến đỉnh là 95m đến 157m.


Địa đạo dài nhất Việt Nam.

Dia dao Cuchi

Địa đạo Củ Chi là địa đạo dài nhất Việt Nam ra đời khoảng đầu năm 1948, vào thời chống Pháp. Địa đạo được đào đầu tiên tại xã Tân Phú Trung, sau đó phát triển ở Phước Vĩnh An, Tân Thạnh Tây và dần mở rộng ra phía bắc Củ Chi, Nhuận Đức, An Nhơn Tây, Phú Mỹ Hưng…với chiều dài 40km. Vào đầu năm 1967, địa đạo được đào thêm với tổng chiều dài 200km.


Nhã nhạc cung đình Huế - Di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên được UNESCO công nhận.

Nha nhac cung dinh Hue

Nhã nhạc ra đời vào thế kỷ thứ 13, nhưng chính thức được đưa vào phục vụ dưới triều đại nhà Nguyễn (1802 - 1945). Nhã nhạc được xem là biểu tượng trường tồn của các triều đại, trở thành một loại nhạc cung đình của Việt Nam được biểu diễn vào những ngày lễ trọng đại, cũng như những sự kiện đặc biệt như lễ đăng quang, lễ tang hoặc buổi lễ tiếp khách… Tháng 8-2002, Hội thảo quốc tế về âm nhạc cung đình Huế đã được tổ chức, tại hội thảo này, các chuyên gia và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã đưa ra nhiều ý kiến về việc bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật mang tính bác học này. Cuối tháng 11-2002, một bộ hồ sơ đồ sộ về Nhã Nhạc - Âm Nhạc cung đình triều Nguyễn được trình cho Uỷ Ban di sản phi vật thể (Intangible Heritage Section) thuộc UNESCO tại Paris. Ngày 7-11-2003 UNESCO đã bỏ phiếu công nhận Nhã nhạc cung đình Huế là di sản Văn hoá phi vật thể của thế giới. Đây là loại hình văn hoá phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận và đưa vào di sản của thế giới.


Đơn vị nghệ thuật duy nhất ở Việt Nam biểu diễn rối nước liên tục 365 ngày trong năm.

Mua roi Thang Long

Nhà hát múa rối nước Thăng Long được thành lập vào năm 1969 với tên gọi ban đầu là đoàn múa rối nước Hà Nội, đến năm 1999 được nâng cấp thành Nhà hát múa rối nước Thăng Long. Nhà hát có với diện tích 720m2, trong đó rạp hát rộng 360m2 với 250 chỗ ngồi. Đây là Nhà hát múa rối có suất diễn liên tục 365 ngày trong cả năm, kể cả ngày lễ và chủ nhật. Nhà hát múa rối nước Thăng Long gồm 2 đoàn, mỗi đoàn 25 người. Mỗi ngày, Nhà hát biểu diễn từ 9 giờ đến 23 giờ với lượng khách trung bình 100 người cho một suất diễn, phần lớn khán giả là du khách nước ngoài. Do nghệ thuật múa rối nước là nghệ thuật mang tính đặc trưng của Việt Nam nên được nhiều du khách phương Tây đến xem và tìm hiểu. Doanh thu hàng năm của nhà hát múa rối nước Thăng Long đạt cao nhất trong tất cả các nhà hát múa rối của cả nước. Đồng thời, đây cũng là một trong những đơn vị nghệ thuật thường xuyên có những chuyến lưu diễn ở nước ngoài, một năm từ 3 lần trở lên.


Bãi đá cổ thạch có hình dạng - màu sắc nhiều nhất Việt Nam

Bai da co thach

Trải dài trên một phần bãi biển của xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, là những viên đá nhỏ đủ màu sắc và hình dạng. Đây là bãi đá 7 màu nằm trong khu du lịch Cổ Thạch. Bãi đá này hình thành cách đây hàng trăm năm nay, có chiều dài khoảng 0,9km, chiều ngang khoảng từ 200m đến 300m, với trữ lượng 243.900m3. Hình dạng và màu sắc độc đáo của đá nơi đây trở thành một điểm thu hút du khách vì không chỉ đơn thuần một màu đen hay xám mà có nhiều màu sắc khác nhau, như: nâu, vàng, tím, xanh lam, trắng… và sự kết hợp giữa các màu sắc này lại với nhau.


Đồi cát thay đổi hình dạng tự nhiên nhiều nhất Việt Nam

doi cat muine

Đồi cát Mũi Né nằm ở khu phố 5, phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết. Đồi cát được hình thành từ rất lâu đời, trải dài trên một diện rộng, có tổng diện tích vào khoảng 60ha. Cát ở đây có nhiều màu, chủ yếu là các màu: vàng, trắng ngà, đỏ sậm, đỏ nhạt… trộn lẫn vào nhau trông rất đẹp mắt. Điểm độc đáo nhất của đồi cát Mũi Né là sau mỗi đợt gió lớn, hoặc trải qua khoảng thời gian một ngày đêm thì diện mạo của đồi cát lại trở nên mới nguyên, khác hẳn với hình dạng trước đó. Nguyên nhân của hiện tượng đặc biệt này là do đồi cát chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố của tự nhiên như: gió mùa, khí hậu, thời tiết… mà nhất là gió mùa. Hai cơ chế gió mùa Đông Bắc và Tây Nam ảnh hưởng trực tiếp lên vùng này gây nên hiện tượng biến chuyển không ngừng về diện mạo, hình dáng của đồi cát, qua đó tạo nên những cảnh quan vô cùng độc đáo.


Thành cổ bằng đá duy nhất của Việt Nam

Thanh nha Ho (thanh hoa)

Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc, Thanh Hoá) vừa được các nhà khảo cổ Việt Nam và Nhật khai quật, là là thành cổ bằng đá xanh duy nhất ở Việt Nam.

Xây dựng năm 1397, Thành Nhà Hồ giữ vai trò kinh đô nước Đại Việt trong 3 năm cuối cùng của triều Trần. Tên chính thức của thành là Tây Đô, để phân biệt với Thăng Long - Đông Đô.

Thành Nhà Hồ có hình vuông, mỗi cạnh dài gần 500 mét, được xây bằng đá xanh cao khoảng 4,2m. Thành có 4 cửa. Cửa phía Nam rất giống cửa phía Nam thành Thăng Long. Quanh thành có hào sâu, phía trong thành là cung điện uy nghi lộng lẫy. Từ cửa Nam xây đường lát đá thẳng đến đàn Nam Giao ở Ðốn Sơn. Sau khi xây xong thành, Hồ Quý Ly đã dời triều từ Thăng Long về Tây Ðô. Nhà Hồ tồn tại được 7 năm (1400 - 1406) thì bị nhà Minh tiêu diệt; thành Tây Ðô bị tàn phá và trở thành hoang phế.

Thành Nhà Hồ là tòa thành duy nhất của VN xây bằng đá, và giữ kỷ lục là công trình được người VN thiết kế xây dựng nhanh nhất (chỉ trong vòng 3 tháng). Thành gồm Hoàng Thành bằng đá bên trong và La Thành bằng đất bao bên ngoài. Về mặt giá trị, thành nhà Hồ xứng đáng là một ứng cử viên sáng giá của danh hiệu Di sản văn hóa thế giới. Mặc dù đổ nát nhiều chỗ, Hoàng thành xây bằng đá xanh cơ bản còn nguyên vẹn hình dáng. Kỹ thuật đỉnh cao nhất, kỳ quan của nghệ thuật đá tuyệt vời bậc nhất của dân tộc Việt hiện vẫn còn hiển hiện trên mặt đất!


Festival biển đầu tiên ở Việt Nam

festival nhatrang

Festival Biển Nha Trang tổ chức lần đầu tiên vào năm 2003 cùng với Tuần lễ du lịch Khánh Hòa, trong các ngày từ 24 đến 30-3-2003. Festival Biển Nha Trang không chỉ là sự kiện mang tầm vóc quốc gia mà còn mang tầm quốc tế vì qua festival này thành phố biển Nha Trang nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung mở rộng giao lưu hợp tác với tỉnh Morbihan (Cộng hòa Pháp) và các nước có vịnh đẹp nhất thế giới.


Lễ hội vespa đầu tiên ở Việt Nam.

Le hoi vespa

Từ ngày 29 đến ngày 30-4-2007, Trung tâm Văn hóa Du lịch Lâm Đồng đã tổ chức lễ hội Vespa tại thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương, huyện Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng. Tại lễ hội này đã có 20 câu lạc bộ Vespa của 19 tỉnh thành trong cả nước tham dự, số người tham dự lễ hội là 450 người với 300 chiếc xe tham gia gồm các chủng loại xe: Acma, Standart, Super, Sprint...


Lễ hội xích lô đầu tiên ở Việt Nam

Lehoi xichlo

trong Festival Nghề truyền thống Huế đã có 300 xích lô của Huế, Hà Nội, TP. HCM, xe lôi Hậu Giang, xe đạp người lùn và trên 400 người gồm người đạp xích lô, các kỷ lục gia, 100 nữ sinh trường Văn hóa Nghệ thuật Huế, 40 diễn viên Nhà hát Nghệ thuật cung đình, 50 người múa lân rồng và 30 hội viên câu lạc bộ diều của Huế đã cùng hội tụ và tham gia biểu diễn trong chương trình “Lễ hội xích lô” trong 2 ngày 2 và 3 tháng 6 tại Nhà Văn hoá TP. Huế, Trung tâm dịch vụ du lịch Festival.


Doanh nghiệp có nhiều taxi nhất Việt Nam

Photobucket

Từ một qui mô nhỏ bé ban đầu chỉ với hai đầu xe và 25 lao động hoạt động giới hạn trong TP.HCM, đến nay Công ty Cổ phần Mai Linh đã nâng tổng đầu xe lên tới 1.982 chiếc (trong đó 157 xe cho thuê, tính đến ngày 30/7/2004) với 5.133 nhân viên hoạt động tại 18 tỉnh thành trong cả nước.

Công ty Cổ phần Mai Linh hiện nay là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ giao thông - vận tải có nhiều xe Taxi nhất.

Vào thời gian thành lập năm 1993, ban đầu chỉ với dịch vụ cho thuê xe và kinh doanh dịch vụ taxi, đến nay Công ty Cổ phần Mai Linh đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như: Du lịch, thương mại, bảo dưỡng sửa chửa ô tô, đào tạo nghề, dịch vụ hàng không, xây dựng địa ốc, ... với hơn 31 công ty thành viên và 15 đơn vị trực thuộc trên toàn quốc.

(tổng hợp 2007)
Khuyến mãi tháng 11/2008: Thailand (6n): 198 + 148usd Thuế; Singapore (4n): 309 + 128; Mã Sing (7n): 409 + 129 usd Thuế

Tìm đường

Tuổi Trẻ Online - Du Lịch

24 Giờ - Du lịch

Báo Người Lao Động - Du lịch

Thảo luận