Qua du lich - nen chon the nao? Cach mu sam.

Từ lâu rồi, tặng quà đã trở thành một truyền thống xã hội được chấp nhận cả trong việc làm ăn ở mọi nước. Nhưng nên tìm hiểu về phong tục, tập quán của địa phương nơi bạn mới lần đầu đến du lịch, thương thảo; vì không may món quà bạn tặng chủ nhà, đối tác lại bị xem không khác gì một "món quà tẩm độc". Thậm chí cách gói và trao món quà cũng chẳng phải là "chuyện nhỏ".

Ở Nhật và Trung Quốc, đừng bao giờ dùng giấy màu trắng để gói quà vì đó là màu của sự chết. Người Hoa không tặng nhau quà gói bằng giấy màu đen, màu xanh dương vì hai màu này chỉ dùng trong lễ tang. Phải tránh dùng mực đỏ in danh thiếp, tin nhắn, thiệp chúc vì theo người Trung Quốc màu đỏ tượng trưng cho sự chết và sự cắt đứt mối quan hệ. Và cũng không nên chọn làm quà những vật nhọn, sắc bén như dao, kéo, lưỡi thép không gỉ (bạc, ngà, gỗ, plastic…) dùng rọc giấy, kim và cả những vật dụng mang hình ảnh "gai góc", chẳng hạn như cái lược, bàn chải.

Tại hai nước châu Á này, món quà phải được trao bằng cả hai tay và ở lúc kết thúc cuộc gặp.

Bà Terri Morrison và ông Wayne A. Conway, đồng tác giả cuốn cẩm nang dành cho du lịch và làm ăn ở châu Âu khuyên chúng ta nên thận trọng khi chọn cây kiểng và hoa làm quà tặng, vì nhiều nước này liên kết từng loại hoa với tang tóc, nấm mồ.

Người Đức không bao giờ tặng nhau hoa thạch thảo vì hoa này thường dùng đặt lên nấm mồ, mang vào nhà là mang theo sự xui xẻo. Người Pháp và người Tây Ban Nha dùng hoa cúc trắng khi gửi lời chia buồn đến gia đình người quen có người qua đời. Mọi loại hoa màu vàng đều được xem là đại diện cho sự thiếu thuỷ chung nên phải tránh tặng chúng cho phụ nữ Pháp, còn ở Mexico, chúng tượng trưng cho sự chết.

Khi du lịch và làm ăn ở các nước Nam Mỹ, tặng quà cho khách, đối tác là việc làm không thể nào quên; nhưng tuyệt đối không tặng dao, kéo (cắt đứt quan hệ), khăn tay (chuyện buồn khiến phải khóc), hình tượng voi (bằng gỗ, ngà, tranh sơn dầu, thảm dệt… vì ở Nam Mỹ có cả một kho tàng truyền thuyết dân gian về loài động vật này). Và không gói quà với giấy màu đen, màu tím là hai màu mà tín hữu Kytô giáo Nam Mỹ rất quen dùng khi cử hành các nghi thức tôn giáo trong Tuần thánh (trước Chủ nhật Phục sinh).

Rượu mạnh, thịt heo và tất cả những gì sản xuất ra từ heo đều không được sử dụng làm quà trong giao tiếp, thương thảo làm ăn với người theo Hồi giáo. Khi trao quà cho người Hồi giáo, nhớ đưa bằng tay phải!
Có những tổ chức quốc tế, chính quyền, công ty có những quy định rất cụ thể về chế độ tặng và nhận quà. Làm ăn với người Mỹ nên chú ý khi chọn quà tặng, vì món quà có giá trị lớn có thể khiến người nhận quà phải khai báo thêm về khoản thuế thu nhập!
(Nguồn: Theo SGTT)


MUA SẮM KHI ĐI DU LỊCH

Khi đi du lịch, ngoài việc khám phá vẻ đẹp của những công trình kiến trúc, những cảnh quan đẹp, thì mua sắm là một nhu cầu thiết yếu. Ở đó, du khách có thể tìm cho mình và người thân những món quà ngộ nghĩnh và mang nhiều ý nghĩa sau chuyến đi thú vị.

- Tại đảo quốc Singapore, bằng bàn tay khéo léo và kỹ thuật hiện đại, người ta đã biến những bông hoa Risis thật, qua dung dịch nóng chảy (vàng 22k), để nó trở thành các loại trang sức tuyệt đẹp như bông tai, mặt dây chuyền… Ngoài ra, còn có những những món quà trang sức khác mang phong cách nghệ thuật Peranakan – một sự dung hợp văn hóa của Trung Hoa, Malai và Châu Âu với nhau. Tại trung tâm mua sắm Orchard hoặc Raffles City là hầu hết các mặt hàng từ cao cấp đến bình dân với đủ các chủng loại như quần áo, túi xách, giày dép, đồ thể thao, đồng hồ, hàng điện tử... Tại khu China Town là thế giới của các mặt hàng thủ công truyền thống Trung Hoa và châu Á như đồ gốm, sơn mài, trang sức, đồ thêu, tơ lụa…

- Tại Hongkong, du khách sẽ dễ dàng mua sắm những mặt hàng yêu thích ở những phố chuyên đề. Ví dụ, nếu mua quần áo hoặc các loại đồ da, hàng hiệu du khách có thể đến các địa điểm như The Landmark, IFC, Time Square, Harbour City… Đối với trang sức, đồng hồ du khách có thể tìm mua ở đường Yee Wo, Hennessy, Nathan… Mỹ phẩm là mặt hàng có ở khắp các con đường Kai Chiu, Granville, Sai Yeung Choi… Phố Wanchai Computer, Mong Ko, Widsor House là thế giới của các mặt hàng điện tử…

- Tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia), khu chợ Central Market là địa điểm lý tưởng để du khách tham quan và mua sắm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, tranh và đồ lưu niệm. Bên cạnh đó, khu China Town cũng là điểm hẹn lý tưởng để những du khách là phụ nữ có thể tìm kiếm những bộ trang phục lạ mắt, những món nữ trang độc đáo và vô số phụ trang như giày dép, túi xách với giá rẻ.

- Tại Thái Lan, du khách có thể đến các trung tâm mua sắm lớn như Big C, Carrfour, MBK, Robinson hoặc cũng có thể đến những khu chợ sỉ như Pratunám hoặc Bóbé (bán hàng từ 9h – 17h), ngoài ra còn có chợ Patpong (bán 24/24h).

Hàng hóa ở các nước rất phong phú, đa dạng và có sức quyến rũ đặc biệt, nhất là vào những dịp giảm giá. Tuy nhiên, du khách cũng cần lưu ý thêm một số vấn đề sau, để đảm bảo không gặp phải những trở ngại khi mang hàng hóa trở về Việt Nam:

- Đối với Thái Lan, không được mang Sầu riêng và những loại hóa chất có mùi lên máy bay, vì sẽ bị phạt rất nặng khi bị phát hiện. Chỉ được phép mua một chai rượu không quá 1 lít và 400 điếu thuốc lá (hoặc 100 điếu cigar). Không được mang bất kỳ các tượng tôn giáo hoặc vật biểu trưng cho tín ngưỡng của Thái Lan mà không có giấy phép. Tuyệt đối không mang các vật bén, nhọn hoặc cháy nổ lên máy bay. Khi mua hàng hóa tại các trung tâm thương mại (trong chương trình) do nhà nước Thái Lan quản lý sẽ được giảm khoảng 7% thuế giá trị gia tăng. Vì vậy, bạn cần giữ kỹ biên lai để sử dụng khi cần thiết.

- Đối với Malaysia, du khách được mang không quá 1 lít rượu, khoảng 200 điếu thuốc lá hoặc 50 điếu cigar. Đồ dùng cá nhân sử dụng pin hoặc điện mang theo không quá 2 món/người. Đối với các loại thực phẩm như trái cây, chocolate hoặc nhân sâm, nếu tổng giá trị hàng hóa vượt quá 75 RM (1USD »3,8 RM) sẽ bị tính thuế. Đối với quà lưu niệm và hàng hóa, có giá trị không vượt quá 200 RM (nếu mua hàng tại Langkawi và Labuan, được chấp nhận giá trị là 500 RM). Lưu ý, nếu mang rượu bia và thuốc lá từ Malaysia vào Singapore sẽ bị đánh thuế rất cao.


NGHỆ THUẬT TRẢ GIÁ KHI MUA SẮM Ở NƯỚC NGOÀI

Người Việt Nam chúng ta khi đi nước ngoài, đặc biệt là các nước Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Hồng Kông… thường thích đến những khu phố China Town hoặc những khu chợ địa phương để mua sắm vì hàng hóa ở những nơi này đa dạng, giá rẻ và phù hợp với người Việt. Tuy vậy, tại những khu mua sắm này, du khách Việt sẽ gặp phải một cách mua bán khá tương đồng với chúng ta, đó là lệ “nói thách” khi bán và “trả giá” khi mua. Vì thế, nếu không đủ bản lĩnh khi mua sắm, có thể bạn sẽ phải mua một món hàng đắt hơn khá nhiều lần, thậm chí đắt hơn mấy chục lần so với giá trị của nó. Vì vậy, kinh nghiệm khá thiết thực khi trả giá mua sắm là: Bạn chỉ nên mua những món hàng mà bạn định được giá của nó, sau đó trả giá thấp hơn một chút so với giá mình định được, còn người bán có nói giá bao nhiêu cũng đừng quan tâm. Có người cho rằng trả thấp đi một nửa so với giá người bán đưa ra là đã thành công nhưng thực tế có khi còn thấp hơn nữa. Chẳng hạn đến một khu mua sắm tại thành phố Quảng Châu - Trung Quốc, người bán có thể đưa ra giá cho một chiếc túi xách là 250 tệ (khoảng 500.000 đồng VN), nhưng khi định được giá, bạn có thể chỉ trả giá khoảng 30 tệ (khoảng 60.000 đồng) là đôi khi đã có thể mua được. Tất nhiên khi mua sắm ở các siêu thị và trung tâm thương mại có niêm yết giá thì bạn không phải trả giá. Bạn cũng cần lưu ý là khi mua hàng theo thông lệ này, bạn nên đi mua vào buổi chiều hoặc buổi tối vì quan niệm “mở hàng” của người địa phương vào buổi sáng sớm đôi khi sẽ khiến bạn không mua được hàng mà còn cảm thấy không vui.

(theo vietravel)

Khuyến mãi tháng 11/2008: Thailand (6n): 198 + 148usd Thuế; Singapore (4n): 309 + 128; Mã Sing (7n): 409 + 129 usd Thuế

Tìm đường

Tuổi Trẻ Online - Du Lịch

24 Giờ - Du lịch

Báo Người Lao Động - Du lịch

Thảo luận