Tour Festival văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên 2007

Lần đầu tiên sau 2 năm kể từ khi UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là “Kiệt tác truyền khẩu và Di sản phi vật thể của nhân loại”, trong các ngày từ 21 đến 24 tháng 11 năm nay, tại thành phố Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức “Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2007”.

Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào ngày 15 tháng 11, 2005. Sau Nhã nhạc cung đình Huế, đây là di sản thứ hai của Việt Nam được nhận danh hiệu này. Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên trải dài trên 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng. Chủ thể của không gian văn hóa này gồm nhiều dân tộc khác nhau: Ê-đê, Ba-na, Mạ, Lặc...

Theo ông Lữ Ngọc Cư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, liên hoan này nhằm tôn vinh và quảng bá rộng rãi giá trị của cồng chiêng Tây Nguyên và tiếp tục giới thiệu cho mọi người hiểu sâu hơn, tường tận hơn về giá trị của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ông Hoàng Chuyên, Phó Giám đốc Sở VHTT Đắk Lắk khẳng định rằng Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2007 là những ngày hội cồng chiêng lớn nhất từ trước đến nay, với sự tham gia của gần ba chục đoàn cồng chiêng thuộc 20 dân tộc anh em, từ dân tộc Mường (Hòa Bình), Bru, Vân Kiều (Quảng Nam), đến H’Rê, Kor (Quảng Ngãi,) Chăm Roi (Bình Định), cho đến dàn ngũ âm của người Khơ-me ở Sóc Trăng. Chỉ tính riêng tỉnh Đắk Lắk đã có hàng trăm đội chiêng trẻ, lứa tuổi thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tham gia liên hoan này.

Đêm khai mạc Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2007 sẽ rất ấn tượng với các màn biểu diễn sôi động, trong đó tiết mục ấn tượng nhất là màn hòa tấu cồng chiêng và dàn nhạc đệm. Nhạc sĩ Nguyễn Cường giải thích ý tưởng kết hợp thú vị này: “Trước đây người ta thường thấy dàn nhạc cồng chiêng chơi riêng, hoặc thưởng thức hình thức hát cùng dàn nhạc chiêng. Lần này, chúng tôi muốn dàn dựng dàn nhạc chiêng như một thành phần của một dàn nhạc lớn. Đó là bản hòa tấu được tạo bởi 27 chiếc chiêng đánh và dàn nhạc giao hưởng, với tinh thần hết sức bài bản, hàn lâm. Đây thực sự là bản giao hưởng và như một cuộc đối thoại giữa văn hóa cổ xưa và nền văn minh thế giới”.

Theo nghệ sĩ Nguyễn Đức Hải - Tổng đạo diễn, 4 đêm của liên hoan diễn ra theo 4 chủ đề khác nhau: Đêm thứ nhất có chủ đề Rừng già, phô diễn giá trị cồng chiêng luôn gắn với Tây Nguyên nguyên sơ và hùng vĩ, một đêm Khan đích thực không thể thiếu Trường ca Đăm San nổi tiếng của vùng đất Tây Nguyên. Đêm thứ hai là Huyền diệu, đêm thứ 3 là Âm vang Tây Nguyên và đêm thứ tư là Bay lên cánh chim mặt trời. Đêm nào của liên hoan cũng có các màn biểu diễn cồng chiêng sôi động. NSƯT Vũ Lân - Phó Chủ tịch thường thực Hội VHNT tỉnh Đắk Lắk, Phó tổng đạo diễn Liên hoan nói: “Chúng tôi muốn phục dựng lại sinh hoạt, môi trường gắn bó với cồng chiêng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Hay nói một cách khác là tạo ra môi trường, không gian cồng chiêng đích thực. Đó là rừng, là những lễ hội, những nghi thức cúng lễ, các hoạt động chế tác, sản xuất nhạc cụ, bí quyết chỉnh âm cho các dàn chiêng... Đặc biệt, chúng tôi sẽ tìm cách tái hiện lễ hội voi, nét sinh hoạt nổi bật của người Đắk Lắk, trong đó có những lễ cúng cho voi, lễ cúng cho người thợ săn voi tài giỏi nhất vùng, rồi cúng cho chủ voi, nài voi, thậm chí cả những lễ cưới cho voi”.

Một hình thức lễ hội mới được thể hiện tại Festival lần này là Lễ hội đường phố. Du khách trong và ngoài nước đến với lễ hội không chỉ được chiêm ngưỡng nét độc đáo mà còn được hòa mình vào bầu không khí sôi nổi lạ thường của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Người nước ngoài, người các vùng miền khác đến Đắk Lắk sẽ được biết một Tây Nguyên không chỉ có chiêng đồng mà còn có chiêng tre, chiêng nứa. Trên đường phố, những nghệ nhân Tây Nguyên thể hiện nghệ thuật chế tác các bộ chiêng và ở đó, ngay cả du khách cũng có thể cầm dao làm thử. Người Tây Nguyên còn thể hiện nghi thức uống rượu cần, một số lễ cúng đơn giản, trò chơi dân gian, đi cà kheo hoặc nhảy múa cà kheo theo điệu chiêng... dành cho du khách. Trong chương trình Festival, còn có nhiều sân chơi cho giới trẻ: Trường đại học Tây Nguyên, một số công viên là nơi diễn ra loạt hoạt động giống như lễ hội đường phố cho tuổi trẻ. Đây cũng là nơi các đội chiêng trẻ đua tài.

Trong khuôn khổ liên hoan còn có trại sáng tác điêu khắc gỗ dân gian Tây Nguyên qui tụ nhiều nghệ nhân tài hoa của các dân tộc: Ê-đê, Jơ-rai, Ba-na, Xê-đăng... Hội thảo khoa học với chủ đề “Không gian văn hóa cồng chiêng - Thực trạng tồn tại và giải pháp bảo tồn”, do GS.TS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN chủ trì, cũng diễn ra vào dịp này.

Một không gian nguyên sơ sẽ được phục dựng tại Trung Tâm Du lịch sinh thái Bản Đôn - cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 50km, với các chương trình nghệ thuật dân gian, lễ hội voi và đặc biệt, cũng trong ngày 24-11-2007 sẽ chính thức mở cửa Triễn lãm “ Trại sáng tác điêu khắc gỗ dân gian Tây Nguyên - DAKRUCO - Lần I- 2007”. Trại sáng tác này được khởi động từ ngày 1-11-2007 và qui tụ nhiều nghệ nhân tài hoa của các dân tộc Êđê, Jrai, Bâhnar, Sêđăng, CaTu,… Trước đó, từ tháng 9-2007, Trung tâm Du lịch Văn hoá - Sinh thái Bản Đôn, thuộc Công ty cao su Đắc Lắc cũng đã tiến hành chiêu sinh và mời nghệ nhân các dân tộc Jrai, Êđê, Sê Đăng truyền dạy nghề tạc tượng gỗ cho một số thanh niên người dân tộc bản địa.

Bảo tàng tỉnh Đắc Lắc- nơi diễn ra Festival, một không gian với rất nhiều cây cổ thụ-cho phép các nhà thiết kế sân khấu có thể tạo ra một môi trường diễn xướng ấn tượng và nhiều kịch tính. Đó là những sân khấu treo, những sân khấu ẩn dưới những tán cây đại thụ dành cho những ban nhạc Rock đậm đặc chất Tây Nguyên như Bazan, Da Vàng, Dam San…và The BamBoo ( Flamenco ) đến từ Câu lạc bộ Trống Đồng - Paris (Pháp).

Dĩ nhiên, Festival lần này không thể vắng các ngôi sao ca nhạc đã trở thành niềm tự hào của người dân Tây Nguyên và những người yêu âm nhạc. Đó là Y Moan, Siu Black… và những ca sĩ thành danh khác, cùng các ban nhạc trong nước và quốc tế.

Sự hấp dẫn của Festival Văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên 2007 còn thể hiện ở qui mô của sự kiện, với gần 30 dàn cồng chiêng trong nước và khu vực, cùng hàng ngàn nghệ nhân đến từ các vùng trong nước và các nước láng giềng. Họ đến không chỉ để biễu diễn trong các đêm kỳ ảo ở không gian xanh bảo tàng mà còn cùng với người dân Tây Nguyên nhảy múa trong các chương trình Lễ hội đường phố- một chương trình được dàn dựng công phu với tên gọi “ Nhịp sống Tây Nguyên’’, sẽ đồng loạt khai diễn vào sáng 22-11 và kéo dài đến hết ngày 23-11 tại Quảng trường thành phố, Công viên Phù Đổng, Trung tâm Văn hoá thể thao và Đại học Tây Nguyên.. “ Nhịp sống Tây Nguyên” bao gồm một chuỗi các hoạt động tiêu biểu trong đời sống hàng ngày của đồng bào Tây Nguyên như đan lát, dệt vải, các trò chơi dân gian… và các hoạt động khác như ca nhạc, thời trang các dân tộc Việt Nam, diễu hành voi…Khán giả, du khách có thể trực tiếp tìm hiểu những nét văn hóa của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên bằng cách tự mình tham gia vào các hoạt động này.

Nhịp sống Tây Nguyên không chỉ nhằm giới thiệu cho du khách mà còn cung cấp những kiến thức bổ ích cho cư dân địa phương về chính nơi mình đang sống. Chương trình sẽ phục dựng lại một số lễ hội, lối sống giản dị nhưng hào phóng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, nhằm truyền bá cũng như nuôi dưỡng, bảo tồn các tập quán của dân bản địa đang bị mai một. Một Tây Nguyên trẻ trung, hiện đại hơn trong chương trình “Thời trang Tây Nguyên”, sẽ do các sinh viên Trường ĐH Tây Nguyên cùng các người mẫu và các nhà thiết kế thời trang đến từ Câu lạc bộ Trống Đồng (Paris - Pháp) thiết kế và trình diễn.

Festival văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên 2007 do UBND tỉnh Đắc Lắc tổ chức, nhằm tôn vinh và quảng bá rộng rãi những giá trị của Không gian Văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên sau khi được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản phi vật thể của nhân loại, đồng thời kêu gọi cộng đồng cùng chung sức bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Mặt khác còn cơ hội để các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, giới thiệu các sản phẩm mới nhằm kích hoạt thị trường du lịch Tây Nguyên vốn được đánh giá là nhiều tiềm năng nhưng vẫn chưa phát huy hết.

Cồng - Chiêng là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm, chiêng không núm. Nhạc cụ này có nhiều cỡ, đường kính từ 20 đến 50 - 60cm, loại cực đại tới 90 - 120cm.

Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, bộ từ 2 đến 12 hoặc 13 chiếc, thậm chí có nơi tới 18 - 20 chiếc. Cồng chiêng có thể được gõ bằng dùi, đấm bằng tay. Có tộc còn áp dụng kỹ thuật chặn tiếng bằng tay trái hoặc tạo giai điệu trên một chiếc chiêng.

Ở dân tộc Mường và nhiều dân tộc dọc Trường Sơn - Tây Nguyên, các dàn cồng chiêng không chỉ làm nhiệm vụ điểm nhịp, đi tiết tấu hoặc giai điệu một bè mà còn hoà tấu nhạc đa âm. Các dàn cồng chiêng của họ thường gồm nhiều bộ. Mỗi bộ có số lượng khác nhau và đảm nhiệm những chức năng riêng trong cuộc hoà tấu.

Hầu như gia đình nào cũng đều có cồng chiêng, thậm chí có gia đình có tới vài bộ. Cồng chiêng gắn bó với người Tây Nguyên từ thuở ấu thơ. Chúng theo sát cộng đồng và từng thành viên của cộng đồng trong mọi sự kiện trọng đại, lúc vui cũng như lúc buồn. Đây còn là loại nhạc cụ thiêng, chủ yếu dùng cho các nghi lễ cúng tế, tang ma, cưới xin, mừng năm mới, mừng nhà mới, mừng lúa mới và các nghi lễ nông nghiệp, mừng chiến thắng, đưa và đón các chiến binh, cầu sức khoẻ và may mắn...

Ở Trường Sơn - Tây Nguyên âm thanh của chúng còn là chất men lôi cuốn gái trai vào những điệu múa hào hứng của cả cộng đồng trong những ngày hội của làng buôn. Đó là một bộ phận không thiếu trong đời sống tinh thần của nhiều tộc trên đất nước Việt Nam từ thuở xa xưa cho tới nay.(st)


CHƯƠNG TRÌNH CHI TIẾT
FESTIVAL VĂN HOÁ CỒNG CHIÊNG TÂY NGUYÊN 2007

Ngày 21/11/2007: (Thứ 4)
09h:
Khai mạc hội chợ-triển lãm Tây Nguyên 2007. Trung tâm VHTT (Ngã Sáu). (Diễn ra đến hết ngày 26/11)
20h00 - 22h00: Khai mạc Festival văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên. Địa điểm: Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk (Truyền hình trực tiếp trên VTV1 - Không bán vé)

Ngày 22/11/2007: (Thứ 5)
09h - 11h:
Đồng loạt khai diễn các chương trình vui chơi và biểu diễn đường phố. Địa điểm: Quảng trường Thành phố, Công viên Phù Đổng, Đại học Tây Nguyên, Trung tâm văn hoá Thông tin (Không bán vé)
14h30 - 16h: Tiếp tục các chương trình đường phố (Không bán vé)
20h30 - 22h: Chương trình nghệ thuật “Đêm huyền diệu”. Địa điểm: Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk (Bán vé)

Ngày 23/11/2007: (Thứ 6)
9h - 11h và 14h30 - 16h:
Tiếp tục chương trình đường phố. Địa điểm: Quảng trường Thành phố, Công viên Phù Đổng, Đại học Tây Nguyên, Trung tâm văn hoá Thông tin (Không bán vé)
20h30 - 22h: Chương trình nghệ thuật –thời trang “Âm vang Tây Nguyên”. Địa điểm: Bảo tàng tỉnh ĐắkLắk (Bán vé)

Ngày 23/11/2007: (Thứ 6)
Hội thảo khoa học không gian Văn hoá Cồng chiêng – Thực trạng tồn tại và giải pháp bảo tồn. Địa điểm: Khách sạn Đam San

Ngày 24/11/2007 (Thứ 7)
09h - 11h và 14h30 - 16h:
Chương trình nghệ thuật dân gian, lễ hội voi và mở cửa triển lãm nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian. Địa điểm: Trung tâm Du lịch Sinh thái Buôn Đôn (Không bán vé)
20h30 - 22h: Chương trình giao lưu nghệ thuật và bế mạc Festival Văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên 2007. Địa điểm: Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk (Không bán vé)


CHƯƠNG TRÌNH TOUR

FESTIVAL VĂN HOÁ CỒNG CHIÊNG TÂY NGUYÊN 2007 CỦA VYCT
(Thời gian: 3 ngày - 2 đêm. Đi, về bằng xe)

NGÀY 1: TP.HCM – BUÔN MA THUỘT
05h00:
Xe đón Quý khách tại điểm hẹn. Khởi hành đi Buôn Ma Thuột, dùng điểm tâm tại Sở Sao. Tiếp tục hành trình theo QL 14 qua các địa danh Đồng Xoài – đường mòn Hồ Chí Minh.
11h30: Đến ngã ba Kiến Đức, dùng cơm trưa. Trên đường đến Buôn Ma Thuột, đoàn ghé tham quan thác D’raySáp – một trong những ngọn thác hùng vỹ của Tây nguyên. Đến Buôn Ma Thuột, làm thủ tục nhận phòng, nghỉ ngơi.
18h00: Dùng cơm chiều. Tối đoàn tham quan hội chợ và triển lãm “Tây Nguyên 2007”. Nghỉ đêm Buôn Ma Thuột.

NGÀY 2: BUÔN MA THUỘT – BUÔN ĐÔN
07h00:
Dùng điểm tâm. Tham quan: Bảo tàng Dân Tộc, nhà Đày. Đoàn khởi hành vào Buôn Đôn, tham quan nhà Sàn 100 tuổi của bộ tộc Lào, đến thăm lăng mộ và nghe kể chuyện về vua Voi Khunsanop, cũng như tín ngưỡng bỏ mả của người Êđê, tham quan: Cầu Treo trên dòng sông Serepok.
11h30: Dùng cơm trưa. Tiếp tục tham quan khu sinh thái – là một khu du lịch mới được đưa vào khai thác tại đây quý khách sẽ chiêm ngưỡng những tác phẩm “ĐIÊU KHẮC GỖ DÂN GIAN TÂY NGUYÊN – DARUCO” do các nghệ nhân của dân tộc Eđê, Sêđăng, Jarai, Vân Kiều… sáng tác, dự khán một số lễ của dân tộc Tây Nguyên như: lễ cúng sức khỏe cho voi, lễ cầu lửa của người Êđê và người M’nông…
18h00: Dùng cơm chiều. Tối tham dự chương trình nghệ thuật “Đêm huyền diệu” (chi phí tự túc)

NGÀY 3: BUÔN MA THUỘT – TP.HCM
07h00:
Dùng điểm tâm, làm thủ tục trả phòng. Đoàn tham quan và mua quà tại chợ Buôn Ma Thuột. Khởi hành về TP.Hồ Chí Minh.
11h30: Dùng cơm trưa tại Kiến Đức. Đoàn về đến TP.HCM, đưa đoàn về điểm hẹn. Chia tay, kết thúc chương trình tham quan - Hẹn gặp lại.

GIÁ TOUR TRỌN GÓI
Nhóm 10 khách: 1.200.000đ
Nhóm 20 khách: 1.090.000đ

1. GÍA TOUR BAO GỒM:
• Phương tiện vận chuyển:

- Xe đời mới, máy lạnh, ghế bật, Video…
- Tài xế vui vẻ, nhiệt tình.
• Khách sạn: Tiêu chuẩn 3 sao; Vị trí trung tâm thành phố (Đamsan, Thắng Lợi, Cao Nguyên…)
- Tiện nghi: Phòng máy lạnh, TV (cáp), ĐT, hệ thống nước nóng, tủ lạnh…
- Phòng: 02 người/ phòng (01 giường đôi); 03 người/ phòng (01 giường đôi + 01 giường đơn); 04 người/ phòng (02 giường đôi)
• Phục vụ ăn uống:
- Ăn chính: 05 buổi ăn (ăn theo thực đơn 05 món do Quý khách tự chọn)
- Ăn phụ: 03 buổi sáng (Bún bò Huế, hủ tiếu, bánh canh. Bánh mì opla... nước giải khát)
• Tham quan:
- Vé vào cổng tham quan theo chương trình,
• Hướng dẫn viên: phục vụ đoàn suốt tuyến tham quan.
• Bảo hiểm du lịch: Theo quy định của Bảo Việt.
• Tặng phẩm: nón du lịch, khăn lạnh, nước suối trên xe…

2. GIÁ TRÊN KHÔNG BAO GỒM:
• Những điểm tham quan, chi phí giặt ủi, điện thoại và những chi phí cá nhân khác ngoài chương trình.
• Không bao gồm chương trình nghệ thuật “đêm huyền diệu”
• Giá trên chưa bao gồm thuế (VAT).

3. LƯU Ý:
• Trẻ em dưới 5 tuổi đi theo cha mẹ nhưng hai người lớn chỉ được dẫn theo 1 bé.
• Trẻ từ 6 đến 11 tuổi mua nửa vé: (chế độ ½ vé: hưởng chế độ như người lớn - ghế ngồi trên xe, hai cháu một suất ăn chính, ngủ chung với cha mẹ).
• Trẻ trên 11 tuổi: mua trọn một vé.


Vui lòng liên hệ: Trung tâm Du lịch Thanh niên Việt Nam (VYCT)
93 Pasteur, Bến Nghé, Q.1, TP.HCM
Tel: 08.8 234 789
Khuyến mãi tháng 11/2008: Thailand (6n): 198 + 148usd Thuế; Singapore (4n): 309 + 128; Mã Sing (7n): 409 + 129 usd Thuế

Tìm đường

Tuổi Trẻ Online - Du Lịch

24 Giờ - Du lịch

Báo Người Lao Động - Du lịch

Thảo luận